Người soạn Thảo: BS Đặng Tuấn Anh – IVF Tâm Anh Hà Nội
Phụ nữ mang thai có nhiều nguy cơ mắc cúm hơn và có thể nhanh chóng dẫn các biến chứng do cúm gây ra như viêm phổi, suy hô hấp, viêm não, viêm cơ tim, tiêu cơ vân…. [1]. Điều này dẫn đến tăng tỷ lệ nhập viện, tăng tỷ lệ các biến chứng và tử vong ở phụ nữ mang thai . Đặc biệt, khi người mẹ bị cúm thai nhi có nguy cơ bị nhiễm cúm bẩm sinh từ mẹ, có khả năng dẫn đến sinh non, sảy thai và dị tật bẩm thai [1], [2].
Các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh cúm cao hơn và mắc bệnh nặng hơn so với phụ nữ không mang thai do những thay đổi sinh lý và miễn dịch trong thai kỳ. Cụ thể, khoảng 11% phụ nữ mang thai bị cúm [3], nguy cơ nhập viện vì cúm nặng ở phụ nữ mang thai cao hơn gần 8 lần so với phụ nữ không mang thai trong độ tuổi sinh sản [4]. Trong đại dịch ‘cúm Tây Ban Nha’ năm 1918, tỷ lệ tử vong liên quan đến cúm ở phụ nữ mang thai lên tới 27% và trong đại dịch năm 1957 thì 50% ca tử vong ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là ở những người đang mang thai [5]. Đáng lo ngại hơn, cúm làm tăng tỷ lệ dị tật bẩm sinh mà không liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể trong ba tháng đầu. Theo nghiên cứu của Mátrai năm 2022 cho thấy, phụ nữa mang thai trong ba tháng đầu khi bị cúm có liên quan đến việc tăng tỷ lệ dị tật bẩm sinh hơn 1,5 lần như: dị tật ống thần kinh, sứt môi – hở hàm ếch cao hơn gấp 2,48 lần, dị tật tim bẩm sinh tăng lên 1,63 lần [6]. Phụ nữ bị cúm nặng trong khi mang thai cũng dẫn tới các có kết quả bất lợi cho thai nhi. Theo một nghiên cứu thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy, phụ nữ mang thai nhập ICU do bị nhiễm H1N1 có nguy cơ sinh non cao hơn 3,9 lần (KTC 95% 2,7–5,6), trẻ sơ sinh sinh ra nhẹ cân ( RR=4,6, 95% CI 2,9–7,5) hoặc trẻ sơ sinh có điểm Apgar 5 phút ≤6 (RR=8,7, 95% CI 3,6–21,2) so với những phụ nữ không bị cúm khi mang thai [7].
Do đó mục tiêu của chăm sóc trước khi tham gia hỗ trợ sinh sản hay trước khi mang thai là giảm nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh bằng cách thăm khám, tư vấn cho người phụ nữ và nam giới muốn có con để tối ưu hóa sức khỏe, giải quyết các yếu tố rủi ro có thể thay đổi được và cung cấp giáo dục về thai kỳ khỏe mạnh, đặc biệt là tiêm phòng cúm.
Hình 1: Truyền kháng thể IgG qua nhau thai từ tuần hoàn của mẹ sang thai nhi [8]
Tiêm phòng cúm cho phụ nữ mang thai đã được Hoa Kỳ chấp thuận từ những năm 1950 cho thấy độ an toàn và hiệu quả đã được kiểm định. Không chỉ bảo vệ phụ nữ mang thai khỏi nhiễm cúm mà việc tiêm phòng còn có lợi cho đứa trẻ. Tiêm chủng cho bà mẹ có liên quan đến việc giảm tỷ lệ sinh non và giảm tỷ lệ cân nặng khi sinh dưới mức tối ưu [1] . Hơn nữa, các kháng thể miễn dịch sản sinh từ người mẹ có thể qua được bánh rau truyền cho thai nhi cũng như vào sữa giúp bảo vệ thai nhi sau sinh làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi [1]. Vì thực tế vắc-xin cúm không được cấp phép cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi do đó người mẹ được tiêm phòng cúm có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Tiêm phòng cúm hàng năm được Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ [9](ASRM) khuyến nghị cho tất cả các cá nhân mong con đến khám hỗ trợ sinh sản. Phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai cũng nên được tiêm chủng để hạn chế các biến chứng. Vắc xin cúm dạng tiêm, vắc xin cúm bất hoạt (IIM) hóa trí bốn và hóa trì bá, chứa vi rút bắt hoạt có thể được tiền vào bất kỳ thời điểm nào trong thời kỳ mang thai. Ngược lại, vắc-xin cúm sống giảm độc lực không nên tiêm trong thời kỳ.
Hình 2: Truyền các kháng thể IgA bài tiết từ mô vú của mẹ sang sữa mẹ [8].
Do vậy, tất cả bệnh nhân trước khi tham gia hỗ trợ sinh sản hoặc mang thai nên được tiêm phòng cúm hàng năm. Theo khuyến cáo của ASRM năm 2013, tiêm phòng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trước hoặc trong khi mang thai giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng trong tử cung và cung cấp cho trẻ sơ sinh khả năng miễn dịch thụ động đối với các bệnh nhiễm trùng sơ sinh. Tốt nhất nên hoàn thành lịch tiêm chủng trước khi bắt đầu điều trị vô sinh, vì một số loại vắc xin không nên tiêm trong thời kỳ mang thai. Khả năng miễn dịch rubella và thủy đậu nên được ghi nhận trước khi mang thai, nếu không có miễn dịch, nên tiêm vắc-xin và nên tránh mang thai trong 4 tuần. Chủng ngừa cúm và uốn ván – bạch hầu nên được hoàn thành trước khi mang thai nhưng cũng có thể tiêm trong thời kỳ mang thai, hoặc vắc xin cúm bất hoạt có thể được tiêm bất cứ lúc nào trong thai kỳ. Tốt nhất nên tiêm uốn ván – bạch hầu – hô gà trong tam cá nguyệt thứ ba hoặc cuối tam cá nguyệt thứ hai. Vắc xin thủy đậu, phế cầu khuẩn, HPV, HA, HB và viêm màng não mô cầu được chỉ định trong những trường hợp cụ thể và luôn được tiêm tốt nhất trước khi mang thai.
Đến năm 2019 hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) và Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (ASRM) tiếp tục đưa ra các khuyến nghị mới cho người bệnh trước khi mang thai [10]:
- Bất kỳ phụ nữ hoặc nam giới đến khám vì mong muốn có con nên được tư vấn về sức khỏe và thói quen lành mạnh, những điều này có thể cải thiện kết quả sinh sản và sản khoa nếu họ sinh con trong tương lai.
- Mục tiêu của chăm sóc trước khi mang thai là giảm nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh bằng cách thăm khám và tư vấn với người phụ nữ để tối ưu hóa sức khỏe, giải quyết các yếu tố rủi ro có thể thay đổi được và cung cấp giáo dục về thai kỳ khỏe mạnh.
- Tất cả bệnh nhân nên được tiêm phòng cúm hàng năm; những phụ nữ đang hoặc sẽ mang thai trong mùa cúm sẽ mang lại nhiều lợi ích.
- Bệnh nhân có nguy cơ phơi nhiễm với một số bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như vi-rút Zika, nên được tư vấn về hạn chế đi lại và thời gian chờ đợi thích hợp trước khi có ý định mang thai.
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên được đánh giá tình trạng tiêm chủng hàng năm đối với uốn ván – bạch hầu – ho gà; sởi–quai bị–rubella; bệnh viêm gan B và thủy đậu.
Ngoài ra, sàng lọc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) nên được thực hiện tại thời điểm tư vấn trước khi mang thai. Các bệnh nhận bị các bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tâm thần và bệnh tuyến giáp có liên quan đến kết quả thai kỳ và nên được quản lý tối ưu trước khi mang thai. Khuyến khích bệnh nhân cố gắng đạt được chỉ số khối cơ thể (BMI) trong phạm vi bình thường trước khi mang thai, vì chỉ số BMI cao hoặc thấp bất thường có liên quan đến vô sinh và các biến chứng khi mang thai ở mẹ và thai nhi. Phụ nữ trước khi mang thai nên được khuyến khích bổ sung axit folic để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh (NTD), kiểm tra về chế độ ăn uống và bổ sung vitamin để xác nhận rằng họ đang đáp ứng các mức khuyến nghị hàng ngày về canxi, sắt, vitamin A, vitamin B12, vitamin B1 , vitamin D và các chất dinh dưỡng khác.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ASRM và ESHRE đã nhanh chóng đưa ra các khuyến cáo rất kịp thời cho các bệnh nhân tham gia hỗ trợ sinh sản là tất cả nam giới và phụ nữ muốn tham gia hỗ trợ sinh sản nên tiêm vắc xin COVID-19 trước khi bắt đầu điều trị hoặc bất kỳ lúc nào trong quá trình điều trị hoặc mang thai.
Các nghiên cứu đưa ra các bằng chứng cho thấy phụ nữ mang thai có nguy cơ măc cúm cao hơn và có nguy cơ nhập viện, mắc bệnh nặng hơn so với phụ nữ không mang thai. Phụ nữ mang thai khi bị cúm có thể gặp nhiều biến chứng do cúm gây ra, bao gồm tử vong, sinh non, sảy thai và dị tật bẩm sinh… Việc tiêm phòng cúm được khuyến cáo để giảm nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh.
Tài liệu tham khảo
- Brixner A., Brandstetter S., Böhmer M.M. và cộng sự. (2021). Prevalence of and factors associated with receipt of provider recommendation for influenza vaccination and uptake of influenza vaccination during pregnancy: cross-sectional study. BMC Pregnancy Childbirth, 21(1), 1–12.
- Håberg S.E., Trogstad L., Gunnes N. và cộng sự. (2013). Risk of fetal death after pandemic influenza virus infection or vaccination. N Engl J Med, 368(4), 333–340.
- Buchy P. và Badur S. (2020). Who and when to vaccinate against influenza. Int J Infect Dis, 93, 375–387.
- Mazagatos C., Delgado-Sanz C., Oliva J. và cộng sự. (2018). Exploring the risk of severe outcomes and the role of seasonal influenza vaccination in pregnant women hospitalized with confirmed influenza, Spain, 2010/11-2015/16. PLoS One, 13(8).
- Kourtis A.P., Read J.S., và Jamieson D.J. (2014). Pregnancy and infection. N Engl J Med, 370(23), 2211–2218.
- Mátrai Á., Teutsch B., Váradi A. và cộng sự. (2022). First-Trimester Influenza Infection Increases the Odds of Non-Chromosomal Birth Defects: A Systematic Review and Meta-Analysis. Viruses, 14(12).
- Newsome K., Alverson C.J., Williams J. và cộng sự. (2019). Outcomes of infants born to women with influenza A(H1N1)pdm09. Birth defects Res, 111(2), 88–95.
- Etti M., Calvert A., Galiza E. và cộng sự. (2022). Maternal vaccination: a review of current evidence and recommendations. Am J Obstet Gynecol, 226(4), 459.
- Penzias A., Bendikson K., Butts S. và cộng sự. (2018). Current recommendations for vaccines for female infertility patients: a committee opinion. Fertil Steril, 110(5), 838–841.
- Society for Reproductive Medicine A., College of Obstetricians A., và on Gynecologic Practice C. (2019). Prepregnancy counseling: Committee Opinion No. 762. Fertil Steril, 111(1), 32–42.